Không gian mở là một khái niệm đã có từ những thập niên 50 – 60, tuy nhiên mãi đến những năm 1980 mới được phát triển và ngày nay, thiết kế mở đã trở thành xu hướng đáp ứng nhu cầu tiện nghi hoá và tối đa hoá không gian chức năng của ngôi nhà và ngày càng được ưa chuộng.
Trong thiết kế không gian mở, hệ thống tường lửng, vách ngăn hoặc cách phân chia không gian của các phòng một cách ước lệ trong việc sắp xếp đồ dùng hoặc bài trí nội thất vẫn làm cho các thành viên trong gia đình có thể giao tiếp với nhau đặc biệt là ở phòng khách – bếp – phòng ăn…
Cách sử dụng không gian như thế này thường có lợi thế là tận dụng được diện tích, tuy vậy việc bố trí và trang trí phải thật hợp lý để không gian vẫn có sự riêng biệt về không gian cần thiết, sự hợp lý khi sử dụng. Tuy nhiên, nếu bạn có dự định lựa chọn cách thiết kế này cho ngôi nhà của mình thì sau đây là một số lưu ý mà bạn nên tham khảo:
1. Kết nối trực quan không gian sống trong trang trí và thẩm mỹ:
Thiết kế không gian mở sẽ giúp các vị khách đánh giá một cách trung thực và chính xác nhất về sự ngăn nắp, khéo léo và khoa học của bạn trong việc sắp xếp đồ đạc và vệ sinh nhà cửa: Một trong những mặt lợi của thiết kế mở đó là khả năng kết nối trực quan các không gian, “khoe” tất cả những nét đẹp của trang trí và khiếu thẩm mỹ của gia chủ. Tuy nhiên nếu bạn là người không biết cách sắp xếp và bài trí đồ đạc trong nhà và căn nhà luôn ở trong tình trạng lộn xộn và thiếu thẩm mỹ thì đây không phải là một thiết kế đáng để bạn lưu tâm.
2. Tính nghệ thuật trong việc bài trí sắp đặt nội thất:
Một ngôi nhà được thiết kế theo phong cách này sẽ buộc phải loại bỏ những bức tường phân chia các phòng với nhau, vì vậy các khu vực vốn được mặc định là nơi treo và trưng bày các bức ảnh gia đình hoặc các tác phẩm nghệ thuật sẽ bị hạn chế đi nhiều. Không những thế tất cả những đồ dùng trong các không gian mở cũng được “để mở”, vì vậy việc lựa chọn và sắp xếp đồ dùng nội thất đảm bảo tính thẩm mỹ là một phần vô cùng quan trọng trong việc tạo nên vẻ đẹp và tính tiện nghi của ngôi nhà.
3. Một công – đôi việc:
Không gian mở giữa bếp với phòng khách sẽ rất thuận lợi cho việc trông coi các thành viên nhí khi chúng chơi trong nhà, hoặc bạn có thể vừa trò chuyện với gia đình, bạn bè thân trong khi chuẩn bị bữa ăn.
4. Tiếng ồn: Bạn sẽ phải đối mặt với việc cố gắng nghe điện thoại trong khi bọn trẻ đang nô đùa ngoài phòng khách hoặc giữa tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ bộ loa trong phòng. Không gian mở khiến cho việc kết nối âm thanh và hình ảnh trở nên dễ dàng hơn, nhưng đây cũng sẽ là một trong những vấn đề mà bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn thiết kế này cho ngôi nhà của mình.
5. Ánh sáng: Ưu điểm lớn nhất của thiết kế mở đó là lượng ánh sáng tự nhiên cho các không gian chức năng là rất lớn. Vì phần lớn các bức tường đã được loại bỏ hoặc giảm chiều cao xuống còn một nửa nên ánh sáng tự nhiên có thể tràn khắp ngôi nhà, mang lại cho bạn cảm giác rộng rãi và sáng sủa hơn.
6. 3 trong 1: Nếu bạn là một người hiếu khách và thích những buổi tiệc nhỏ ngoài trời, thì việc thiết kế không gian mở giữa phòng khách, phòng ăn và nhà bếp với khoảng hiên bên ngoài ngôi nhà là điều bạn nên làm.
Vì ở không gian này bạn có thể bao quát được các hoạt động đang diến ra trong ngôi nhà và bạn cũng có thể dễ dàng trò chuyện với các vị khách trong khi chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tiệc.